Lợi ích khi áp dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp

Người nông dân từ xưa đã có kinh nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp, để tăng năng suất cây trồng như: cày lật gốc rạ, vùi phân xanh vào ruộng, bón vôi, phân chuồng, tro bếp,… Ngày nay, vai trò của phân hữu cơ lại càng quan trọng hơn khi nền nông nghiệp đang trong giai đoạn chuyển mình sang sản xuất an toàn. Chính vì thế, việc sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học hiện là một xu hướng tất yếu, mà bất kỳ ai cũng cần phải lưu tâm. Dưới đây là những lợi ích mà phân bón hữu cơ mang lại, mời bạn cùng tham khảo

1/ Phân hữu cơ làm tăng sản lượng và chất lượng nông sản

Trong các loại cây ngắn ngày thì cây rau là loại cây bị ảnh hưởng nhiều nhất của phân bón. Còn các loại cây dài ngày, cây công nghiệp chịu ảnh hưởng ít hơn. Chính vì vậy, việc sử dụng phân hữu cơ trong canh tác nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Bởi đây là cách hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng nông sản, giúp cho việc xuất khẩu rau củ quả sang các nước.

Lợi ích khi áp dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp
Lợi ích khi áp dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp

2/ Giúp đất tơi xốp và tăng độ phì

Khi bón phân hữu cơ, dưới tác động của độ ẩm và nhiệt độ, các hydrat cacbon sẽ được phân giải chậm thành mùn,  axit humic, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Quá trình này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, tùy vào chất liệu phân và điều kiện khí hậu, thời tiết, cũng như môi trường đất. Do đó, bón phân hữu cơ sẽ làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng thấm thoát nước và giúp phát triển bộ rễ cây trồng.

3/ Hạn chế xói mòn, rửa trôi

Các chất hữu cơ trong đất có tác dụng làm đất tơi xốp, tăng khả năng thấm thoát nước, giúp cây trồng dễ hấp thu các chất cần thiết qua rễ. Việc bón phân bằng rơm rạ, xác bã thực vật còn là biện pháp hữu hiệu giúp chống xói mòn đất và rửa trôi dinh dưỡng khi trời mưa lớn và ở những khu vực đất có độ dốc cao.

4/ Làm sạch nguồn nước

Các chất hữu cơ có khả năng hấp thụ hoặc giữ lại các chất hòa tan độc hại có trong nước như: H2S, dư lượng phân hóa học Nitrat, Sunfat, Clor… Dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm, oxy,… các chất độc sẽ dần bị phân hủy thành chất ít hoặc không độc hại cho người và động vật.

Lợi ích khi áp dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp
Lợi ích khi áp dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp

5/ Giảm sâu, bệnh hại

Với việc thâm canh cao như ngày nay sẽ làm cho cây phát triển nhanh về cành, lá rậm rạp, dễ thu hút các loại côn trùng đến phá hại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại nấm hại phát triển trên các bộ phận của cây như rễ, thân, lá, cành, trái… Phân hữu cơ giúp cây cứng cáp hơn, lá dày, khả năng chịu đựng các điều kiện bất lợi cũng tốt hơn. Do vậy, cây ít bị sâu bệnh hại.

6/ Hạn chế sử dụng thuốc hóa học

Bón phân hữu cơ giúp cây phát triển cân đối, khỏe mạnh và có sức đề kháng cao để chống chịu các điều kiện bất lợi của môi trường như: hạn hán, lũ lụt, gió, ẩm, nóng, lạnh. Môi trường đất sạch, bộ rễ cây nhiều, đâm sâu. Các loại nấm có hại cũng không có điều kiện phát sinh và lây lan. Do vậy, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân được khuyến cáo hạn chế dùng thuốc hóa học để bảo vệ cây trồng.

7/ Thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong đất

Phân hữu cơ sau khi phân hủy sẽ cung cấp mùn cho đất, làm tăng độ pH, độ chua đất giảm và tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật trong đất phát triển. Việc bổ sung đầy đủ phân hữu cơ sau mỗi vụ thu hoạch sẽ làm cho đất được tơi xốp. Các chất mùn trong phân hữu cơ sẽ là thức ăn cho các loại vi sinh có ích. Do đó, số lượng vi sinh vật có ích sẽ tăng lên đáng kể, còn các loại vi sinh có hại sẽ giảm đi phần nhiều.